Tất cả đều nằm trong tính toán của Bắc Kinh

Putin - Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)
Lao Ta

Chỉ cần thay “Putin” bằng “Bắc Kinh”, thì câu nói nổi tiếng bất đắc dĩ của tướng Cương sẽ tuyệt đối đúng.

Tổng hợp từ nhiều nguồn tin tình báo, đặc biệt là tình báo Anh và Hoa Kỳ, theo dõi các phản ứng của Bắc Kinh thời gian qua, có thể khẳng định, Tập Cận Bình được Putin thông báo trước về cuộc xâm lược tàn khốc mà ông ta nhắm vào Ucraina. Putin làm thế vì muốn cho giới lãnh đạo Bắc Kinh cảm nhận được rằng, với ông ta Trung Quốc đáng tin cậy và gần gũi như thế nào.

Tuy nhiên đó chỉ là một lý do.

Lý do thứ hai là Putin muốn thăm dò thái độ của Tập. Có thể Tập cũng tỏ ra ngần ngại nhưng cuối cùng đã đồng ý khi Putin hứa mọi chuyện sẽ kết thúc chậm nhất trong 72 giờ.

(Chúng ta nhớ lại: Cuối năm 1978, khi thăm Hoa Kỳ, khi muốn chứng tỏ Mỹ gần gũi với Trung Quốc như thế nào, đồng thời muốn dò thái độ của Washington, Đặng Tiểu Bình thông báo với tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter, rằng ông ta sẽ tấn công Việt Nam. Theo các tài liệu đã được công khai, dù rất ghét Việt Nam, Carter đã tỏ ra ngần ngại, khuyên Đặng không nên làm như vậy. Cuối cùng Đặng hứa sẽ chỉ tấn công hạn chế cả không gian và thời gian, khiến Carter không nói gì thêm).

Tập Cận Bình, khác với Carter, đã không chỉ gật đầu, mà còn khích lệ Putin.

Chúng ta hãy chú ý các tuyên bố sau để tin vào điều đó: Khi Nga tấn công Ucraina, Bắc Kinh lớn tiếng đổ lỗi cho NATO là nguyên nhân của cuộc chiến, đồng thời, “cảm thông” với các lo lắng về an ninh của Nga.

Khi Nga không thắng nhanh như kế hoạch, Vương Nghị nói rằng: “Những gì đang xảy ra ở Ucraina là điều Trung Quốc không muốn trông thấy”.

Thông điệp này nói lên điều gì? Thế giới có thể hiểu Trung Quốc không khích lệ Nga tấn công Ucraina. Nhưng Putin sẽ đọc được thông điệp này như một lời trách móc: Ngài đừng làm chúng tôi thất vọng! Và Putin biết phải làm gì.

Trên thực tế, mức độ khủng khiếp của các cuộc bắn phá do Nga tiến hành nhắm vào mọi nơi trên đất nước Ucraina sau đó tăng lên gấp đôi, với quyết tâm thắng bằng mọi giá (Cũng là cách không làm Trung Quốc thất vọng). Chúng ta nhớ đến lời tuyên bố của Ucraina sau đó, coi Trung Quốc không còn là quốc gia đáng kính trọng nữa. Hẳn họ phải có bằng chứng.

Khi Nga có dấu hiệu sa lầy rõ ràng, Bắc Kinh công khai tuyên bố: “Sự ủng hộ của Trung Quốc với Nga là không có giới hạn”. Một lời khích lệ như vậy tưởng rằng không còn gì quý hơn với Putin trong nỗ lực mở rộng chiến tranh của ông ta.

Trong tính toán của Bắc Kinh, thì việc Nga tấn công Ucraina, (với giả định mọi chuyện kết thúc giống như vụ Nga sáp nhập Crimea) chắc chắn gây thiệt hại cho Trung Quốc cả về ngoại giao và kinh tế, nhưng so với những lợi ích khổng lồ nó đem lại, thì chút thiệt hại kia quá bé, chấp nhận được.

Kịch bản Nga thắng nhanh chóng

Món lợi kếch xù đầu tiên mà Trung Quốc thu được là cuộc trắc nghiệm phản ứng của dư luận quốc tế. Trung Quốc còn e dè trong việc tấn công Đài Loan, ngoài yếu tố thực lực chưa đủ tự tin, họ không thể tiên liệu hết phản ứng của quốc tế, chủ yếu là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Anh Quốc mạnh mẽ cỡ nào. Nếu mọi chuyện êm xuôi, sẽ là cơ sở thực tế quan trọng để Trung Quốc lên kế hoạch động binh ở eo biển Đài Loan hoặc biển Đông, thậm chí có thể chớp nhoáng tấn công những vị trí dễ xơi nhất (Quần đảo Trường Sa, chẳng hạn).

Món lợi lớn thứ hai là người Nga vô tình giúp Trung Quốc phân tán sự chú ý và sức mạnh của đối thủ lớn nhất là Mỹ. Trong tính toán của Bắc Kinh thì Hoa Kỳ sẽ cấm vận và tìm cách bao vây Nga về ngoại giao, đồng thời tăng cường lực lượng sang châu Âu để đề phòng Nga sẵn đà tấn công các nước thuộc Liên minh châu Âu. Vì khả năng của Mỹ cũng có hạn, nên họ buộc phải “sao nhãng” những khu vực khác, trong đó có nhiều khu vực thuộc lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Món lợi lớn thứ ba, theo kịch bản này, là châu Âu sẽ không còn đặt cược hoàn toàn vào Hoa Kỳ và nghiễm nhiên Trung Quốc trở nên quan trọng đối với họ như một nhà hòa giải và như một nhà kiến tạo hòa bình. Khi đó liên minh Nga-Trung thoải mái phá hủy cấu trúc an ninh cũ, để xây lại theo ý mình.

Kịch bản Nga sa lầy hoặc thất bại

Phải khẳng định, đây chỉ là kịch bản phụ của Bắc Kinh. Trước ngày 24 tháng 2, như hầu hết mọi người, Bắc Kinh tuyệt đối tin vào sức mạnh quân sự của Nga. Chính người Mỹ cũng đưa ra dự báo chính quyền Kyiv khó mà trụ lại được quá 3 ngày. Nhưng vì mọi chuyện đều có thể xảy ra, do vậy, Bắc Kinh sẽ tính toán cả cho trường hợp này. Và tất nhiên, lợi ích của họ vẫn rất lớn.

Thứ nhất: Nga sẽ trở thành một kiểu chư hầu của Trung Quốc (điều đó đang xảy ra), có thể dễ bề điều khiển, khi cần có đồng minh nặng kí trong các quyết định quốc tế quan trọng.

Thứ hai: Trung Quốc coi như rảnh tay, ít nhất vài thập kỉ, với người láng giềng to lớn ở phía bắc, vốn là kẻ thù lịch sử. Khi biết Nga không mạnh như mọi người và Trung Quốc nghĩ, khi nước Nga bị kiệt quệ và đi thụt lùi nhiều năm, Bắc Kinh sẽ điều chỉnh chính sách hướng đến sự tiết kiệm lớn về mặt phòng thủ phần biên giới dài và dễ tổn thương nhất, để ưu tiên các khu vực khác.

Thứ ba: Trung quốc sẽ mua dầu, khí đốt, than đá… giá rẻ mạt của Nga rồi bán lại hàng hóa với giá cắt cổ, dựa trên “nguyên tắc thị trường”, khiến Nga chỉ còn biết ngậm đắng nuốt cay.

Tất nhiên, với cuộc chiến Nga-Ucraina và sự đại bại của Nga, thì biển Đông và Đài Loan giờ đây cũng càng ra xa tầm tay của Bắc Kinh. Riêng điều này thì có thể là ý Trời.

T Duy Anh