Tesla, thiên tài bất tử

Nikola Tesla

[Nikola Tesla (10/7/1856 - 7/1/1943) là một nhà phát minh, kỹ sư điện và kỹ sư cơ khí người Mỹ gốc Serbia. Ông theo chủ nghĩa vị lai và được xem là một trong những nhà khoa học sáng tạo và điên rồ nhất trong lịch sử. Tất cả các thiết kế của ông - khoảng 300 trong số đó được cấp bằng sáng chế - đều hướng tới tương lai và đó là lý do mọi người gọi ông là "nhà phát minh ra thế kỷ 20".]

Có nhiều người đã cho rằng trong toàn bộ lịch sử nhân loại chỉ có đúng 2 thiên tài vĩ đại, 2 cá nhân kiệt xuất với những tầm nhìn vượt quá xa thời của họ, 2 người duy nhất được đưa ra thuyết âm mưu là người ngoài hành tinh, một là Leonardo da Vinci, và người thứ hai, lại là một người hùng vô danh với những phát minh, những ý tưởng mà chúng ta đang được sử dụng hôm nay (kể cả mạng Internet mà bạn đang dùng), người thứ 2 là Nikola Tesla.

Leonardo da Vinci

Nếu Leonardo da Vinci là thiên tài toàn năng, được biết đến với những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, những công trình chép tay về máy bay, về giải phẫu sinh lý người ở … thế kỷ 16, thì Nikola Tesla lại bị coi là nhà bác học điên, một kẻ lập dị với những ý tưởng bị coi là điên rồ thời đó. Người đàn ông sinh năm 1856 này đã từng nói về những tên lửa, những ngư lôi, thiết bị bay điều khiển bằng vô tuyến, máy bay phản lực, tàu có đệm không khí từ những năm cuối thế kỷ 19. Vì vượt thời đại quá xa, còn công nghệ thì không theo kịp, ông bị coi là nhà bác học điên.

Cùng thời với ông, trong khi Edison nổi tiếng và được hâm mộ cho đến tận về sau này, thì Tesla lại bị kì thị và coi là kẻ lập dị

“Tôi có thể dỡ tung trái đất, nhưng tôi không bao giờ làm việc đó. Mục đích của tôi là tìm ra những ý tưởng mới và để cho những nghiên cứu mới.”

Vào thời đó, chỉ có những chính phủ là tin vào những ý tưởng điên rồ đó. Đấy là lý do có nhiều thuyết âm mưu về việc Tesla có liên quan đến cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, và những ý tưởng của ông là khởi phát cho vũ khí mà Đức Quốc Xã sử dụng trong cuộc chiến tranh này. Nhưng ông cũng đến Nga, đến Mỹ. Giống như một sứ giả đi xếp đặt cho sự cân bằng của các cường quốc. Telsa không phục vụ các quốc gia riêng rẽ, ông là người của nhân loại.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người xếp Tesla cạnh Da Vinci trong nhóm 2 thiên tài dị biệt theo kiểu tương lai học. Họ từng kể rằng ông từng khuyên 1 người bạn đừng đi chuyến du lịch TITANIC. Tiên đoán chiến tranh thế giới thứ nhất sẽ diễn ra trong vòng 4 năm và kết thúc vào tháng 12. Thế giới không hòa bình được lâu và thế giới sẽ đến cuộc chiến tranh mới sau đó 20 năm.

Số lượng khổng lồ các ý tưởng mà Tesla viết nên và phác thảo ra vượt quá suy nghĩ đương thời. Giống như thể ông lấy chúng từ trong giấc mơ, và khi tỉnh giấc ông dùng hiện thực chép lại. Từ năm 19 tuổi đến tận khi qua đời, mỗi ngày Tesla chỉ ngủ đúng 2 tiếng đồng hồ. Ông không thể rời khỏi bàn làm việc, và khi ngủ thiếp thì lại mơ thấy chúng. Ông làm việc điên cuồng và không ngừng nghỉ chỉ để giải đáp cho câu hỏi

“Chúng ta là ai? Từ đâu đến? Để làm gì? Chúng ta có những khả năng gì?”

Cuộc đời của ông cho đến lúc nhắm mắt là sống với các ý tưởng tràn ra như thác đổ. Hơn 300 phát minh, đa phần là đi trước thời đại nhưng tên tuổi của ông mới chỉ được cả thế giới ghi nhận trong vòng 20 năm trở lại đây.

Câu hỏi: Tại sao hồi nhỏ chúng ta chỉ biết mỗi về Thomas Edison, cha đẻ của dòng điện, mà không biết về Nikola Tesla, cha đẻ của điện xoay chiều, của sóng vô tuyến? Nhiều câu chuyện về sự ngược đãi của Edison giành cho Tesla, những mưu mô hay cả nhiều người tin rằng rất nhiều phát minh mà Edison đóng dấu bản quyền vốn là của Tesla. Cũng có một vài bài báo minh oan cho mối quan hệ này. Tùy các bạn, nhưng có một điều mà ta phải sử dụng tính logic để giải quyết vấn đề.

Bạn lên cỗ máy thời gian và quay ngược lại hình ảnh thời thơ ấu, bên những bóng đèn vàng, và chiếc tivi đen trắng. Lúc đó, bạn có biết sẽ đến một ngày có Internet hay không? Câu trả lời rằng không.

Ngày đó, chúng ta đọc các câu chuyện về những danh nhân, về nỗ lực của nhà phát minh Edison. Nhưng nếu có một người nói với ta rằng có một lão bác học điên cùng thời với Edison luôn nói về truyền dẫn không dây, và dự báo về tương lai thế giới sẽ có một ngày ta ở London và được nghe, được thấy một linh mục ở New York giảng đạo, thì chắc chắn chúng ta không tin. Vâng, xin thưa cái nhà bác học điên ấy là Tesla, và cái ông miêu tả là Internet, livestream hôm nay đấy.

Kể cả Edison cũng không theo kịp Tesla.

Ngày đó, trong cơn bi phẫn, Telsa đã thốt lên:

“Thế giới thiển cận và lầm lạc đã cười nhạo các ý tưởng của tôi. Biết bao nhiêu người gọi tôi là kẻ hay tưởng tượng. Nhưng hãy để cho thời gian trả lời tất cả. Thế giới non dại và tàn nhẫn này, một ngày rồi sẽ sử dụng các thí nghiệm của tôi.”

Khi Internet ra đời, công nghệ vô tuyến phát triển, công nghệ không dây đang đi đến thời đại 5G. Loài người khi đó mới sửng sốt phát hiện ra rằng cách đó 100 năm đã có một con người nói về những điều này, và kẻ đó bị coi là người điên. Trong hối hận, họ đi đòi công bằng cho ông, hòng đưa tên tuổi Tesla trở lại với công chúng, bên cạnh và vượt qua luôn Edison.

Vào ngày 1/7/2003, tại thung lũng Silicon huyền thoại có hai người đàn ông tên là Eberhard và Tarpenning cùng một người bạn thứ 3 là hàng xóm Ian Wright đã thành lập một công ty. Họ thống nhất đặt cho nó cái tên là Tesla Motors. Họ chọn cái tên đó là để mục đích vinh danh nhà khoa học bị lãng quên vừa tìm lại được chỗ đứng trong lịch sử: Nikola Tesla.

Và cũng như Tesla, những gì họ có trong tay chỉ là những ý tưởng, bản phác thảo. Cho đến một ngày định mệnh của tháng 4/2004, có một triệu phú trẻ gốc Nam Phi với tầm nhìn cũng điên không kém Tesla đã quyết định đầu tư vào Tesla Motors 6,35 triệu đô la trong lần rót vốn đầu tiên. Người đàn ông đó đã nắm lấy con thuyền non trẻ này. Với vị trí CEO, anh đổ mồ hôi, công sức, và rót cả tài sản bản thân hòng đưa con thuyền ấy vượt qua giông tố, từng bước từng bước đi qua chướng ngại công nghệ đến chướng ngại con người, chính phủ. Cuối cùng cũng đến hồi chiến thắng. Cùng với Tesla, ông trở thành người giàu nhất thế giới. Tên gã đàn ông đó là Elon Musk.

78 năm từ sau ngày Nikola Tesla mất trong tủi nhục, sự xa lánh, và sự nghèo đói, những hậu bối thần tượng ông giờ đã đòi lại cho ông sự công bằng, tự tôn, lòng thành kính. Từ đêm dài lãng quên, giờ đây họ đã biến cái tên Tesla thành bất tử.

Khôi Nguyen (sưu tầm)