Vụ án Đồng Tâm: chính phủ Việt Nam sát hại công dân của mình

 

Pascale Berry-Wavre - Ủy Ban Thụy Sĩ Việt Nam COSUNAM

Luy Nguyen Tang|

Không chỉ ở Miến Điện (Myanmar) mới có một chế độc tài chà đạp thô bạo các quyền con người
 

Ngày 08 tháng 3 sắp tới đây, nền tư pháp Việt Nam sẽ xét xử phúc thẩm sáu người trên 29 người đã bị kết án hôm 14/9/2020 vì những hành động kháng cự nhà cầm quyền. Trong những người này, có hai người bị kết án tử hình. Số phận của những người này sẽ ra sao ? Họ là những người vào đầu năm 2020 đã tranh đấu chống chính quyền tịch thu ruộng đất của làng họ.
 

Ngày nay Việt Nam vẫn là một trong những chế độ độc tài tồi tệ nhất. Những tham vọng phát triển về du lịch và kinh tế dẫn đến tình trạng nhà nước cướp đoạt đất đai của người dân mà không có đền bù thích đáng, sự nô lệ hóa một phần lớn dân chúng với một tác động thảm khốc cho môi trường. Sự việc được gọi là « Vụ Đồng Tâm » làm nổi bật những tệ nạn này. Năm 1980, ngôi làng ở cách Hà Nội khoảng chừng 50 cây số đã thỏa thuận với chính quyền trung ương về việc trưng dụng 47 hecta đất cho sân bay quân sự. Như thế, dân làng chỉ còn giữ lại 59 để trồng trọt.
 

Nhưng 40 năm sau, phi trường vẫn chưa được xây. Đất đai vẫn không được sử dụng. Nhưng đâu phải chỉ có thế: năm 2017, chính phủ muốn lấy luôn 59 hecta còn lại, cho một dự án đô thị hóa lớn. Chính quyền đề nghị với dân làng một cái giá không nghĩa lý gì để bồi hoàn cho sự mất đất canh tác, đẩy họ vào cuộc sống khốn cùng. Những tranh tụng, với nhiều khúc mắc, kéo dài cho đến khi công an, vào rạng sáng ngày 9/01/2020, đã ập vào tấn công làng Đồng Tâm, gây ra nhiều nạn nhân, đặc biệt trong đó có người trưởng làng, 85 tuổi, đã bị bắn chết.
 

29 người bị kết án hôm 14/9 đều là dân làng Đồng Tâm, những người đã cố gắng bảo vệ gia đình họ chống lại cuộc tấn công này. Bản chất phiên tòa này là một trò giả dối, với người chứng bị đe dọa, các luật sư bị răn đe và các bị cáo bị tra khảo bức cung. Không có bảo đảm nào là các quyền căn bản nhất đã được tôn trọng cho các bị cáo, họ đã bị tuyên phạt với những bản án khắc nghiệt tối đa: hai người trong họ bị kết án tử hình : ông Lê Đình Chức và ông Lê Đình Công, hai người con trai của ông trưởng làng.
 

Sự kiện Đồng Tâm dấy lên nhiều phản ứng. Nhờ vào sự đấu tranh của cộng đồng người Việt hải ngoại, các thủ tướng chính phủ của nhiều quốc gia, Liên Minh Âu Châu và Thụy Sĩ đã được báo động và đã quan tâm đến trường hợp này. Đối với những người đấu tranh cho nhân quyền, những áp lực quốc tế là hy vọng duy nhất để tòa án của Việt Nam có thể thay đổi thái độ trong hồ sơ này.
 

Lần sau mà Quý Vị mua hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, hay coi đây là nơi đi nghỉ dưỡng, xin Quý Vị hãy nghĩ về câu chuyện này. Có nhiều xác suất những người nông dân hay ngư dân đơn sơ là những người đã bị đầy đọa, thậm chí bị sát hại để cho phép thiết lập một nhà máy hay một khách sạn. Biết bao luật sư đã bị bắt bớ, bị giam cầm chỉ vì dám biện hộ các nạn nhân này. Biết bao gia đình đã phải chịu tang tóc hay bị đe dọa.
 

Phiên tòa tái thẩm sẽ diễn ra trong những ngày gần đây và sẽ cho thấy tình trạng của đất nước này về mặt vận hành tư pháp và xem chính phủ Việt Nam có sẵn sàng cải thiện những cơ chế chính trị, như lời cam kết của ông Thủ Tướng Việt Nam vào ngày 19/02 tại Hà Nội trong khuôn khổ của sách lược đầy tham vọng về phát triển ngành du lịch từ nay đến năm 2030.