Bất đồng Nga-Ukraina về Donbass có thể khiến Thỏa thuận Minsk tan vỡ

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (G) thị sát một mặt trận giáp vùng Donbass ly khai, miền đông Ukraina. Ảnh chụp ngày 09/04/2021. via REUTERS - UKRAINIAN PRESIDENTIAL PRESS SER

Trọng Thành - RFI

Căng thẳng phương Tây và Nga dâng cao từ nhiều tháng nay. Theo giới quan sát, Matxcơva để ngỏ khả năng can thiệp quân sự vào Ukraina, nếu nhiều đòi hỏi của Nga về an ninh, trong đó có việc khối NATO không kết nạp Ukraina, không được đáp ứng. Phương Tây cương quyết từ chối. Nguy cơ chiến tranh bùng nổ tại Ukraina là điều không thể loại trừ.  

Trong lúc các đàm phán giữa Mỹ và Nga, giữa NATO và Nga rơi vào bế tắc, cuối tháng Giêng vừa qua, Các Thỏa thuận Minsk đột ngột trở lại bàn đàm phán, như một cơ hội cho hòa bình. Sau cuộc họp cấp cố vấn chính trị của bốn quốc gia theo Cơ chế Normandie (gồm Pháp, Đức, Nga và Ukraina) ngày 26/01/2022 tại Phủ tổng thống Pháp, các bên ra tuyên bố chung yêu cầu «tôn trọng vô điều kiện lệnh ngừng bắn» theo các Thỏa thuận Minsk tại vùng Donbass (miền đông nam Ukraina), hiện do lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát. Việc thực thi các Thỏa thuận Minsk cũng là chủ đề chính trong chuyến công du Matxcơva và Kiev của tổng thống Pháp trong hai ngày 07 và 08/02 vừa qua.  

Cho đến nay, các Thỏa thuận Minsk, Minsk I và Minsk II, ký kết cuối năm 2014 và đầu 2015, được coi là rơi vào bế tắc. Việc coi các Thỏa thuận Minsk trở lại như một cơ hội chủ yếu giúp vãn hồi hòa bình có khả thi không ? Đâu là những bất đồng chính giữa Matxcơva và Kiev có thể khiến nỗ lực tìm cách thực thi các Thỏa thuận Minsk một lần nữa bị phá sản ?

1/ Các Thỏa thuận Minsk (Minsk I và Minsk II) ra đời ra sao, có nội dung chính là gì ?  

Trang TV5 Monde ngày 08/02/2022 tóm lược một số thông tin về các Thỏa thuận Minsk. Thỏa thuận «Minsk I» có tên gọi chính thức là «Nghị định thư Minsk» (Minsk Protocol hay Minsk I), được các đại diện của Nhóm liên lạc ba bên về Ukraina (gồm Nga, Ukraina và Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu, OSCE) ký ngày 05/09/2014 tại Minsk, thủ đô Belarus, nhằm chấm dứt chiến tranh tại vùng Donbass, bùng phát sau khi Nga sát nhập bán đảo Crimée của Ukraina tháng 3/2014. Nghị định thư Minsk năm 2014 chỉ giúp hạ nhiệt căng thẳng trong một thời gian ngắn. Chiến tranh tái bùng phát ngay cuối năm đó. 

Trong bối cảnh chiến tranh tiếp diễn, nguy cơ Minsk I phá sản, thỏa thuận thứ hai đã được ký ngày 12/02/2015, vẫn tại thủ đô của Belarus, nên được gọi là tắt «Minsk II» (Minsk II Agreements). Tên gọi đầy đủ của thỏa thuận là «Tập hợp các biện pháp để áp dụng Các Thỏa thuận Minsk». Minsk II có mục tiêu giảm căng thẳng ở Donbass thông qua việc tuân thủ lệnh ngừng bắn Minsk I.

Thỏa thuận Minsk II gồm 13 điểm, trong đó có việc rút hết vũ khí hạng nặng, thông qua một đạo luật ân xá, bảo đảm trợ giúp nhân đạo, xác định «các phương thức tái lập hoàn toàn các quan hệ kinh tế - xã hội», khôi phục hoàn toàn quyền kiểm soát biên giới Nhà nước của chính phủ Ukraina trong toàn khu vực xung đột, tất cả các lực lượng vũ trang nước ngoài rút khỏi Ukraina, cải cách Hiến Pháp Ukraina, bầu cử địa phương.

Các Thỏa thuận Minsk là kết quả của đàm phán Nga - Ukraina. Tuy nhiên, vai trò của Pháp và Đức rất quan trọng. Một cuộc họp giữa bốn lãnh đạo Pháp, Đức, Nga và Ukraina được tổ chức tại lâu đài Bénouville ngày 06/06/2014, nhân kỷ niệm Ngày quân đồng minh đổ bộ vào vùng Normandie (Pháp), giải phóng nước Pháp khỏi ách chiếm đóng phát xít. Vấn đề hòa bình Ukraina là trọng tâm cuộc đàm phán. Cuộc hội kiến nói trên nhân ngày kỷ niệm quân đồng minh đổ bộ vào vùng Normandie đặt nền móng cho tiến trình xây dựng các Thỏa thuận Minsk. Hợp tác bốn bên nói trên tìm giải pháp hòa bình cho Ukraina thường được gọi là «Cơ chế Normandie».  

2/ Đâu là các bất đồng chính giữa Matxcơva và Kiev có thể khiến nỗ lực tìm cách thực thi các Thỏa thuận Minsk một lần nữa bị phá sản?  

Mặc dù được các bên, nhất là các quốc gia trong Cơ chế Normandie xới lên trở lại như một cơ hội vãn hồi hòa bình cho Ukraina, các khác biệt trong cách nhìn nhận về các Thỏa thuận Minsk giữa Matxcơva và Kiev là rất lớn. Thực tế này khiến việc thực thi không hề dễ dàng, cho dù các bên trong những ngày gần đây đều có nhiều tuyên bố thiện chí. Nhật báo Hoa Kỳ New York Times có bài « What Are the Minsk Accords, and Could They Defuse the Ukraine Crisis? » (Các thỏa thuận Minsk là gì và chúng có thể giúp tháo ngòi nổ khủng hoảng Ukraina ?) nhấn mạnh đến  một số bất đồng chính giữa hai bên.

Đứng từ quan điểm của Matxcơva, việc thực thi đầy đủ các Thỏa thuận Minsk trên thực tế sẽ loại trừ khả năng Ukraina gia nhập khối NATO. Theo các giải thích của Nga, các Thỏa thuận Minsk bắt buộc chính quyền Kiev phải có các sửa đổi về luật và Hiến pháp, mở đường cho phép các lực lượng ly khai thân Nga tại vùng Donbass, có đại diện trong chính quyền Liên bang Ukraina. Điều này dẫn đến khả năng phủ quyết các quyết sách về đối ngoại của chính quyền Ukraina. Trong cuộc hội đàm với tổng thống Pháp tại Matxcơva, nguyên thủ Nga đưa ra một quan điểm cứng rắn về vấn đề này: «Hãy thực thi toàn bộ các cam kết hoặc từ bỏ».  

Ngược lại, phía Ukraina khẳng định: thẩm quyền của các chính quyền địa phương vùng Donbass sẽ có thể bị hạn chế, và chắc chắn sẽ không thể dẫn đến việc phủ quyết chủ trương gia nhập NATO. Hôm thứ Ba 08/02, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba đã thẳng thừng bác bỏ khả năng chính quyền Nga dùng biện pháp như vậy để phủ quyết các quyết định đối ngoại của Ukraina.  

Kyiv Independent, báo mạng Anh ngữ độc lập hàng đầu của Ukraina có bài phân tích : « Vì sao Nga muốn vùng Donbass bị chiếm đóng được tự trị, còn Ukraina thì không » (tháng 12/2021)  nhấn mạnh là : Nếu công nhận Donbass tự trị, theo cách giải thích của Nga về các Thỏa thuận Minsk, chính quyền Ukraina sẽ phải đối mặt với một con ngựa thành Troa, một khu vực độc lập có lực lượng vũ trang riêng, và chính sách do Matxcơva quyết định. Ngoài ra, nếu đi theo con đường này, chính quyền Ukraina sẽ phải chịu trách nhiệm về pháp lý đối với việc khôi phục khu vực này về mặt kinh tế và xã hội sau chiến tranh.  

Nhiều nhà phân tích dự đoán quy chế « tự trị » kiểu như vậy với vùng Donbass sẽ là nguyên nhân tiềm ẩn khiến Ukraina rơi vào cuộc xung đột nội bộ không có lối thoát, và đất nước sẽ tan rã trong bạo lực. Trong một cuộc thăm dò dư luận tháng 2/2020, 62% dân Ukraina phản đối đưa quyền tự trị của Donbass vào Hiến pháp.  

3/ Dù sao, đối thoại nhằm thực thi các Thỏa thuận Minsk trong những ngày gần đây dường như đã có một số bước tiến nhỏ, đặc biệt với nỗ lực của Pháp. Vậy những trở ngại chính trước mắt đối với thực thi Thỏa thuận Minsk là gì ?  

Trở ngại nổi bật hiện nay là trình tự thực thi các điều khoản trong các Thỏa thuận Minsk. Báo Le Monde hôm 09/02, trong một bài viết đăng tải sau chuyến công du Matxcơva của tổng thống Pháp («Tại Matxcơva, Macron trắc nghiệm một ‘‘phương pháp’’»), nhấn mạnh đến một điểm đặc biệt tế nhị trong việc thực thi các Thỏa thuận Minsk. Đó là trình tự thực thi thỏa thuận. Hồi tuần trước, Paris nhắc lại là Kiev cần hướng đến xem xét cấp quy chế đặc biệt cho các vùng ly khai và sửa đổi Hiến pháp. Ukraina đã phản bác. Theo Kiev, việc sửa đổi Hiến pháp chỉ có thể diễn ra sau khi các nhóm vũ trang triệt thoái khỏi vùng Donbass.  

Trang mạng của Viện tư vấn chính trị Úc Lowy hôm 31/01/2022, đăng tải bài viết của nhà báo Bermet Talant, từng làm việc nhiều năm cho Kyiv Post, nhật báo Anh ngữ độc lập hàng đầu tại Ukraina (báo đã bị giải thể cuối năm ngoái, đa số phóng viên trụ cột chuyển sang báo Kyiv Independent). Bài phân tích « Why Ukraine and Russia can’t agree on autonomy for the Donbas » (Vì sao Ukraina và Nga không thể đồng thuận về quy chế tự trị đối với Donbass), cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của trình tự thực hiện Thỏa thuận Minsk.  

Về vấn đề này, quan điểm của Ukraina và Nga hoàn toàn trái ngược. Với Kiev, bầu cử địa phương chỉ có thể diễn ra sau khi các đơn vị và vũ khí Nga rút khỏi Donbass, chính quyền Ukraina kiểm soát trở lại phần biên giới Ukraina, giữa Donbass và Nga. Phía Nga, ngược lại, cho rằng trước hết là bầu cử và quyền tự trị cho Donbass.  

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220210-bat-dong-nga-ukra...

Trái ngược với một số tuyên bố mang nhiều hy vọng về khả năng thực thi các Thỏa Thuận Minsk sẽ mang lại hòa bình cho Ukraina : Những bất đồng song phương Ukraina – Nga về vấn đề « quyền tự trị » cho Donbass có thể một lần nữa khiến các Thỏa thuận Minsk phá sản. Dù sao mọi cánh cửa không phải hoàn toàn đã đóng. Song song với các vận động của ngoại giao của Pháp, Đức trong Cơ chế Normandie, theo New York Times, trong những ngày gần đây đã diễn ra nhiều đối thoại lặng lẽ giữa Phần Lan và Nga. Tổng thống Phần Lan hồi tuần trước, sau cuộc điện đàm với đồng nhiệm Nga, cho biết một « thỏa hiệp » về việc thực thi Thỏa thuận Misnk vẫn là điều có thể./.