Chiến tranh vì nhân đạo

Ngoài chiến tranh vì quyền lợi hay ý thức hệ còn có hình thái chiến tranh vì lòng nhân đạo...

Ca sỹ Beyonce biểu diễn ca khúc I Was Here trước Đại hội đồng LHQ để kêu gọi nhắn tin cho Ngày Nhân đạo thế giới
 

Trong suốt bốn tuần qua, bên lề vụ khủng hoảng chính trị tại Mỹ về việc can thiệp hay không vào cuộc nội chiến ở Syria, chúng ta thấy nổi lên một câu hỏi khác. Vì sao đa số dân Mỹ lại không muốn Hoa Kỳ tấn công Syria, dù qua một biện pháp rất hạn chế như chính quyền Obama đề nghị? Hỏi ngược lại, tại sao phải can thiệp, với rủi ro là gây ra một cuộc chiến nữa? Cuộc tranh luận ấy dẫn tới một lý luận mới chỉ xuất hiện từ sáu chục năm nay: các nước có thể can thiệp vào xứ khác vì lý do nhân đạo, dù rằng việc can thiệp có thể dẫn tới chiến tranh.

Nghĩa vụ cứu người

Từ cổ chí kim, các nước có thể gây chiến tranh vì hai lý do căn bản nhất, vật chất và tinh thần.

Đầu tiên và sâu xa lâu dài hơn cả là chiến tranh vì quyền lợi, để bảo vệ hay bành trướng quyền lợi hoặc quyền lực quốc gia. Sau đó là chiến tranh ý thức hệ, để bảo vệ hay bành trướng một hệ thống tư tưởng từ thần quyền đến thế quyền, từ tôn giáo đến chính trị, mà người ta coi là có giá trị. Hai hình thái chiến tranh ấy có thể biệt lập hoặc đan kết với nhau.

Từ những cuộc Thập Tự Chinh đến việc bành trướng chủ nghĩa cộng sản, chiến tranh ý thức hệ có khi ngụy trang hay biện minh cho chiến tranh vì quyền lợi. Bên cạnh những người tử vì đạo hoặc hy sinh cho cách mạng còn có bọn thương nhân hay những kẻ cướp vàng cướp đất... Nhìn theo một khía cạnh nào đó cuộc chiến “giải phóng miền Nam” tại Việt Nam là chiến tranh ý thức hệ, nhưng lồng bên trong là việc cải tạo để tiếp thu tài nguyên ở trong Nam, và để Trung Quốc bành trướng quyền lợi trên cả nước.

Đến hậu bán thế kỷ 20, sau Đại Chiến II, người ta thấy xuất hiện một loại chiến tranh khác.

Một lý do ban đầu có thể là nạn hỏa thiêu và tàn sát sáu triệu người Do Thái khiến cho làm ngơ trước tội ác cũng là một cái tội. Và can thiệp vào xứ khác để ngăn ngừa tội ác là một nghĩa vụ. Đấy là chiến tranh vì lý do nhân đạo. Nó xuất phát từ các nước dân chủ, chính yếu là từ Âu Châu và Hoa Kỳ, và nhắm vào nội chiến ở nơi khác khi mà thường dân vô tội bị tàn sát.

Cuộc nội chiến lan rộng khi Liên Bang Nam Tư tan rã, nạn thanh tẩy chủng tộc tại Rwanda, hay vụ tàn sát thường dân ở Sudan, rồi nội chiến Libya hay gần đây, vụ Syria là cơ hội khiến người ta đòi phải có biện pháp can thiệp. Tương đối thành công là vụ Bosnia, hay Kosovo, hoặc thậm chí Sudan khi xứ này chia hai.

Ở nhiều nơi khác, tình hình vẫn là bất phân thắng bại, thí dụ như Libya. Và chính là kinh nghiệm Libya khiến các nước phải chùn tay ở Syria và tranh luận về lẽ chính đáng hay không của một cuộc chiến vì lòng nhân. Không chịu can thiệp thì có thể mang tội thờ ơ trước tội ác, can thiệp thì bị đả kích là hiếu chiến, hoặc không tưởng.

Chúng ta nên nhìn lại chuyện này từ nhiều giác độ khác.

 

Những trở ngại của thực tế

Những người chủ trương can thiệp có thể minh định những động lực và tiêu chuẩn khá rõ ràng.

Trong một cuộc nội chiến ở xứ khác, có hai phe tham gia. Phe mạnh là những kẻ có võ khí và phương tiện tàn sát phe yếu. Phe mạnh thường là một chính quyền độc tài và phe yếu là các nhóm võ trang còn ô hợp, khi giao tranh bùng nổ, thường dân không có khả năng tự vệ là nạn nhân ở giữa. Việc can thiệp vào cuộc nội chiến này phải có tính chất trung lập, không nghiêng vào phe nào, chỉ nhắm vào việc bảo vệ thường dân khỏi bị tàn sát nữa, sau khi đã bị tàn sát. Nếu không can thiệp, nhân loại mắc tội vô tâm vô cảm, một nhược điểm về đạo đức. Từ lý luận có tính chất đạo tc, quy tắc đạo đức, người ta cho rằng cộng đồng quốc tế phải có nhiệm vụ can thiệp để ngăn ngừa một vụ tàn sát, một nạn diệt chủng.

Ở đây, sau Thế Chiến II, “cộng đồng quốc tế” thường được hiểu là Liên Hiệp Quốc (LHQ). Nhưng việc kêu gọi định chế quốc tế này can thiệp lại gặp một trở ngại chính thức, che giấu một khó khăn thực tế.

Hiến chương LHQ có quy định rõ ràng về quyền tự quyết, về chủ quyền toàn vẹn của các quốc gia. Trong một cuộc nội chiến, khi can thiệp để bảo vệ thường dân, người ta có thể vi phạm chủ quyền của một nước, dù đang được “phe mạnh” lãnh đạo và tàn sát “phe yếu.” Liên Bang Nga và Trung Quốc hay viện dẫn Hiến chương LHQ để ngăn cản việc can thiệp và mặc nhiên bảo vệ phe mạnh. Đây là một trở ngại thực tế của việc can thiệp dưới lá cờ LHQ.

Trong vụ Libya, các nước Tây phương đã khai thác một hớ hênh của Liên Bang Nga khi cài được một điều khoản là “bảo vệ người vô tội” vào một nghị quyết rồi viện dẫn điều khoản ấy để xin can thiệp. Vladimir Putin không ngăn được chuyện ấy nên có kinh nghiệm trong vụ bảo vệ phe mạnh, là chế độ Bashar al-Assad tại Syria.

Thói thường thì chỉ một (hay nhiều) nước mạnh mới có khả năng can thiệp vào tình trạng nội chiến trong một nước yếu. Với một nước mạnh thì khác.

“Cộng đồng quốc tế” hoàn toàn câm nín khi Trung Cộng thôn tính Tây Tạng năm 1950, 1959, hay đàn áp dân Hồi Giáo ở Tân Cương từ 1949 đến nay. Cộng đồng ấy cũng bất lực khi Liên Xô đàn áp dân lành ở Hung Gia Lợi năm 1956tấn công Tiệp Khắc năm 1968, hay Liên Bang Nga tại Georgia năm 2008, tại Chechnya từ 1995 đến sau này.

Khi chủ trương can thiệp vì lòng nhân đạo, với tiêu chuẩn vô tư, công bằng và trung lập, tức là không thiên về một phe nào trong cuộc nội chiến, mà chỉ để tránh cho thường dân lại bị sát hại, chủ nghĩa nhân đạo này còn đụng vào một khó khăn thực tế khác. Mọi việc can thiệp đều làm lệch tương quan lực lượng trong nội chiến.

Chủ trương can thiệp vì lòng nhân chỉ có hy vọng thành hình và thành công khi là nước lớn bước vào cứu dân lành trong một nước nhỏ yếu. Nhưng dù nêu cao tiêu chuẩn trung lập, việc can thiệp vẫn thực tế thiên về phe yếu và có thể tiêu diệt phe mạnh, chính quyền thủ phạm của vụ tàn sát. Nghĩa là việc can thiệp vô tư này làm thay đổi cục diện nội chiến và có khi dẫn đến việc thay đổi chế độ. Sau đó là gì thì không ai biết được. Chuyện Libya là một điển hình, đang được hâm nóng trong chính trường Hoa Kỳ qua vụ tàn sát năm ngoái tại Benghazi.

Một trở ngại bất ngờ khác của việc can thiệp để giải trừ tội ác là sự xuất hiện của Tòa án Hình sự Quốc tế tại thành phố The Hague.

Từ kinh nghiệm của tòa án quốc tế Nuremberg để xét xử giới lãnh đạo cao cấp của chế độ Đức Quốc Xã và tiền lệ là Tòa án Quốc tế xét xử việc tàn sát sau khi Nam Tư tan rã, các nước Âu Châu quyết định truy tố lãnh tụ của phe mạnh trong các cuộc nội chiến. Thí dụ như việc bắt giữ và xử án Slobodan Milosevic của Cộng Hòa Serbia.

Milosevic quyết định buông tay để khu vực Kosovo của Serbia được tự trị và độc lập, tưởng rằng như vậy là xong. Sau cuộc cách mạng dân chủ tại Serbia, ông ta vẫn bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy tố không vì tội gian lận trong bầu cử, là chuyện nội bộ của Serbia, mà vì tội danh trầm trọng hơn, xảy ra trước đó, tội ác trong chiến tranh và tội ác chống nhân loại.

Thề rồi nhân danh việc bảo vệ nhân loại, nguyên tắc công lý chính đáng này gây khó khăn cho việc bảo vệ dân lành trong một cuộc nội chiến. Muammar Gadhafi tại Libya năm kia và Bashar al-Assad năm nay không thể quên được cái án chung thân của Milosevic nên nhất quyết không rời khẩu súng, và tàn sát thường dân cho đến viên đạn hay giọt máu cuối cùng.
Họ nương vào nguyên tắc của hiến chương LHQ là không xâm phạm chủ quyền xứ khác và tựa vào sức bảo vệ của Liên Bang Nga, Trung Quốc, hay Iran...

Chiến tranh vô nhiễm leo thang thành chiến tranh vô tận

Khi vận động can thiệp vì lý do nhân đạo, mọi người trong cuộc đều nêu rõ chủ trương là có giới hạn, đến độ “nhỏ xíu không thể tin nổi” như lời trấn an của Ngoại Trưởng John Kerry về cách ngăn cản một vụ tàn sát thường dân bằng võ khí hóa học tại Syria. Lý tưởng là một cuộc chiến tranh thu gọn và sạch sẽ, vô nhiễm.

Ban đầu có thể là một quyết định “cấm bay” (no-fly zone) để tê liệt không quân của phe mạnh, rồi việc phá hủy hệ thống phòng không của chế độ để bảo vệ không quân của phe can thiệp vì chính nghĩa. Nhưng sự thể lại không ngừng ở đó.

Các chính quyền chủ trương can thiệp đều nói rõ là “không đổ quân vào trận địa,” mà vẫn phải tung biệt kích, để làm gì thì không ai biết rõ. Biết rõ nhất mà cũng mơ hồ nhất chính là các đơn vị tác chiến bí mật này. Để thu lượm tin tức tình báo quân sự về đối phương và chấm tọa độ cho phe mình oanh kích ? Để liên lạc hay tiếp tế võ khí cho các nhóm nổi dậy? Để làm suy yếu một chế độ mà họ không có quyền lật đổ?

Chuyện thông thường, các chế độ này lại không bị suy yếu, nhất là khi lãnh tụ ở trên không quên cái án treo của Tòa án Hình sự Quốc tế đang lơ lửng trên đầu. Họ trả đũa kịch liệt hơn, hoặc tuyệt vọng hơn, khiến thường dân chết nhiều hơn, chưa kể nạn chết oan vì “hỏa lực bạn”...


Tức là thay vì minh danh nói rõ là can thiệp nhanh gọn để lật đổ một chế độ tàn ác, chủ nghĩa chiến tranh vì nhân đạo dẫn tới thực tế bất ngờ là chế độ này vẫn tồn tại, chiến tranh lan rộng hơn và dân vô tội tiếp tục chết oan.

Nghịch lý này xuất phát từ một chân lý chính trị là trong các nước dân chủ, quần chúng ở dưới và giới đại diện dân cử (Quốc Hội) ở trên rất khó cho Hành pháp quyền sử dụng võ lực để lật đổ lãnh đạo một xứ khác. Chính quyền thường phải kín đáo ra tay trong chớp nhoáng và triệt thoái trước khi nội vụ đổ bể hay lây lan, thời hạn thường là 60 ngày đi vào cộng 30 ngày đi ra trước khi Quốc Hội lên tiếng. Vì lẽ đó, chủ trương can thiệp vì lòng nhân mới phải giao hẹn một chiến dịch quân sự có hạn chế. Mà cũng vì vậy khó kiểm soát được tình hình, làm chiến tranh leo thang.

Chiến tranh có thể không leo thang, nhưng chấm dứt với kết quả trái ngược với đạo lý ban đầu. Chúng ta trở về tương quan mạnh/yếu trong cuộc nội chiến.

Phe mạnh là chế độ có đặc tính phi nghĩa vì mang tội tàn sát. Phe yếu lẩn trong thường dân vô tội là các lực lượng võ trang khác, mỗi lực lượng lại theo đuổi một mục tiêu bị khỏa lấp vì chính nghĩa chống độc tài. Đặc tính của họ chỉ là sự yếu thế. Khi chế độ tàn ác kia bị lật đổ, như tại Libya hay cả Iraq trước đó, phe yếu thế lại biến thành phe mạnh và không nhất thiết trở thành lực lượng xây dựng dân chủ. Nhẹ nhất thì nội chiến kết thúc bằng nội loạn hay loạn sứ quân. Nặng nhất là sự xuất hiện của một chế độ mới, còn độc tài và hiếu sát hơn chế độ bị tiêu vong. Trong thế giới Hồi Giáo, nặng hơn cả là sự thắng thế của lực lượng khủng bố.

Và chiến tranh vô nhiễm có khi kéo dài đến vô tận, và lây lan qua xứ khác.

Xuất phát từ một lý do đạo đức chính đáng, lý tưởng can thiệp để bảo vệ dân lành có khi lại gặp hậu quả bất lường. Đây là nguyên nhân khiến người dân đầy từ tâm và rộng lượng như dân Mỹ lại từ chối lời kêu gọi của Tổng Thống Obama. Sau đó, tuần qua, nhiều người tự hỏi rằng Hoa Kỳ có còn những giá trị tinh thần cao quý mà thiên hạ trông đợi hay chăng?

Kết luận ở đây là gì?

Nhiều người lầm tưởng rằng trong chính trường Mỹ, đảng Cộng Hòa có đặc tính diều hâu chủ chiến và đảng Dân Chủ là phản chiến chủ hòa. Sự thật lại không ngây ngô như vậy.

Đa số những người chủ trương việc can thiệp thuộc cánh tả lý tưởng của đảng Dân Chủ. Họ là trí thức theo xu hướng “can thiệp quốc tế” đối lập với xu hướng thực dụng và tự cô lập đến ích kỷ bên cánh hữu của đảng Cộng Hòa. Hồ sơ này quá dài nên xin miễn nêu danh những người nổi tiếng nhất hiện đang ở trong chính quyền Obama (Suzan Rice, Samantha Power, v.v...).

Xuất phát từ lòng nhân, lý luận can thiệp của họ lại gần với khuynh hướng được gọi là “tân bảo thủ” (neo-conservative) bên cánh hữu: phát huy dân chủ trên thế giới cũng là một cách ngăn ngừa chiến tranh và khủng bố.

Người ta không nên ngạc nhiên: đa số trí thức “tân bảo thủ” đều xuất thân từ cánh tả và thất vọng với tinh thần phản chiến bên đảng Dân Chủ.

Nguồn: nguoi-viet.com