Khi nào sự độc tài phải chùn bước?

 
Sau khi chính quyền quân sự của Myanmar đảo chính, giành quyền kiểm soát đất nước, bắt giam nhiều lãnh đạo hợp hiến thông qua bầu cử tự do, rất nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra với quy mô ngày càng lớn hơn. Bất chấp việc cảnh báo sẽ có thương vong khi đối đầu với lực lượng an ninh (mà thực tế đã có một số người đã bị thiệt mạng), số lượng người tham gia biểu tình ngày một đông đảo hơn. Điều này sẽ là một áp lực thực sự với chính quyền quân sự hiện tại vì vốn dĩ, lâu nay họ lấy sức mạnh của súng ống để áp đảo mọi thứ chứ không đi thu phục nhân tâm. Chính quyền non trẻ do bà Aung San Suu Ky cấu trúc nên dù còn nhiều khiếm khuyết nhưng đã cho người dân Myanmar được sống trong môi trường dân chủ mà lâu nay họ chưa có được - Đó là niềm hạnh phúc, niềm mơ ước cháy bỏng của họ mà không dễ dàng để họ để vuột mất.


 
Hôm nay, hàng trăm nghìn người gồm lao động ở các ngành nghề khác nhau như nhân viên ngân hàng, nhân viên siêu thị ở nhiều thành phố, thị trấn trên khắp Myanmar đã hưởng ứng lời kêu gọi đình công nhằm phản đối chính quyền quân sự. Hàng loạt doanh nghiệp, nhà hàng thông báo đóng cửa vào ngày hôm nay.
 
Tại nhiều thành phố như Yangon, Hpa-an, thủ phủ bang Kayin, các cửa hàng tiện lợi, chợ, và các cơ sở kinh doanh thiết yếu khác đều đóng cửa. Người lao động mang theo các biểu ngữ phản đối đảo chính và yêu cầu quân đội trả tự do cho các quan chức của chính quyền dân sự.
 
Một số địa phương khác người dân địa phương đình công đi biểu tình, các doanh nghiệp cũng đóng cửa hưởng ứng đình công; nhiều ngân hàng cũng đóng cửa...
 
Như vậy, nếu các cuộc đình công xảy ra nhiều nơi hơn, quy mô lớn hơn nữa thì khả năng chính quyền quân sự sẽ rơi vào tê liệt vì như đã nêu trên, kinh nghiệm của những người lãnh đạo quân đội chỉ giỏi chỉ đạo theo cách áp đặt bằng mệnh lệnh quyền uy chứ không thể gỡ rối bằng cách thương lượng. Hoặc là họ sẽ dùng bạo lực mạnh hơn để áp chế, đe nẹt hoặc là tiến tới họ sẽ phải nhượng bộ mà khả năng thứ 2 dễ xảy ra hơn vì mạnh tay với những người dân đang căm phẫn lúc này không khác nào đổ dầu vào lửa; thậm chí là có thể gây mâu thuẫn trong chính nội bộ quân đội khi lực lượng cấp tiến sẵn sàng quay về phía người dân.
 
Như vậy, khi đông đảo người dân Myanmar tỉnh thức và cùng tạo thành ngọn lửa đấu tranh thì lực lượng quân đội độc tài đến lúc phải lùi bước, phân hoá. Bà Aung San Suu Ky đã thắp lên cho người dân nước này nhuệ khí đấu tranh và đang được người dân duy trì. Lúc này thậm chí bà chưa được phóng thích cũng một phương pháp tốt để duy trì áp lực lên chính quyền quân đội hiện tại chứ khi áp lực chưa đủ cho lãnh đạo quân đội lung lay ý chí thì bà Aung San Suu Ky được trả tự do với một thỏa thuận nữa vời có thể lại là một bước thụt lùi với phong trào mà mà người dân đang thực hiện khi không có mặt bà.
 
Hy vọng sẽ có một kết cục tốt đẹp sẽ tới với người dân và đất nước Myanmar. Nếu người dân và đất nước Myanmar thành công thì đó cũng là một tấm gương để một số nước trong khu vực noi theo, trong đó có chúng ta. Dẫu biết rằng để thay đổi một hệ tư tưởng đã bám rễ, ăn sâu vào bao thế hệ là điều không dễ dàng gì; để từ bỏ danh vị, quyền lợi càng không dễ dàng gì nhưng vì sự tồn vong của quốc gia và tương lai của con cháu mai sau, chắc chắn rằng những người lãnh đạo đất nước không thể không suy ngẫm, và chính chúng ta cũng vậy. Cứ tiếp thu, học hỏi, lâu dần rồi tự chúng ta phải thay đổi bản thân, nếu không muốn mình bị bỏ lại sau lưng...