Thu Hà: Nguyễn Công Khế và hai lần thoát chết (Phần 1)

Ảnh; Nguyễn Công Khế (phải) và Hoàng Hải Vân.

Tiếng Dân News
 

Nguyễn Công Khế được mệnh danh là “trùm những ông trùm” của báo chí quốc doanh. Chức vụ cao nhất của ông Khế đến khi nghỉ việc chỉ là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Tổng Biên tập báo Thanh Niên. Thế nhưng, Nguyễn Công Khế lại là nhân vật “vua biết mặt, chúa biết tên” và thế lực kinh người thì khỏi phải bàn cãi. Việc ông Khế bị cơ quan an ninh khởi tố bắt giam, gây rúng động dư luận cả nước.
 
Một thời huy hoàng
 
Sinh năm 1954, Nguyễn Công Khế chỉ là cậu học sinh từ làng chài Bình Tú, Thăng Bình, Quảng Nam ra Đà Nẵng trọ học, tham gia hoạt động của Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng. Bị cảnh sát Việt Nam Cộng hòa bắt, Khế đi tù từ tháng 5-1972 đến tháng 2-1975.
 
Hoà bình, Khế lang thang trên đất Sài Gòn, được người đồng hương nổi tiếng là Huỳnh Bá Thành (tức ‘Hoạ sĩ Ớt’) dìu dắt. Khế đi làm báo, theo Hoạ sĩ Ớt và tiếp cận được những cán bộ cao cấp lẫy lừng từng là sếp của Ớt : Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Trần Bạch Đằng… Hoạ sĩ Ớt đột tử năm 1993, lúc này Nguyễn Công Khế đã là Tổng biên tập báo Thanh Niên.
 
Từ đây, Khế tiếp tục tạo dựng các mối quan hệ với những chính trị gia hàng đầu, các sĩ quan công an, quân đội, cũng như các nhân vật trí thức tiếng tăm khác. Thời huy hoàng của Khế, tiền vô như nước, quyền lực cũng tăng theo cấp số nhân.
 
Một số hình ảnh Nguyễn Công Khế chụp với các chính trị gia hàng đầu. Nguồn: Facebook Nguyễn Công Khế
 
Báo Thanh Niên cùng với Tuổi trẻ, là một trong hai tờ nhật báo bán chạy nhất Việt Nam, với số lượng ấn bản khổng lồ.
 
Năm 2002, qua vụ án Năm Cam, báo Thanh Niên và Nguyễn Công Khế nổi như cồn. Vụ này, Khế luôn tự hào rằng báo Thanh Niên đã góp phần đánh bay chức hoặc ném vào tù một loạt cán bộ:
- Uỷ viên Trung ương khoá 9: Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Quốc Huy và tổng giám đốc đài Tiếng nói Việt Nam Trần Mai Hạnh.
 
- Thiếu tướng, thứ trưởng Bộ Công an Hoàng Ngọc Nhất (Phạm Minh Chính từng là trợ lý của tướng Nhất).
- Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Phạm Sỹ Chiến, cùng một số quan chức khác.
 
Sau vụ này, các quan chức từ trung ương đến địa phương, đều “ớn” Nguyễn Công Khế.
 
Năm 2006, báo Thanh Niên lại nổi đình nổi đám cùng với báo Tuổi Trẻ, khi phanh phui vụ PMU 18. Vụ tiêu cực ở PMU 18 là vụ án nghiêm trọng, đánh bạc, cá độ với số tiền rất lớn, cũng là vụ án tham nhũng, đưa hối lộ và nhận hối lộ với số tiền kỷ lục.
Trong vụ này, Đào Đình Bình, Uỷ viên Trung ương khoá 9, bộ trưởng Giao thông Vận tải, mất chức. Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến bị bắt giam, vuột mất cơ hội vào quy hoạch trung ương. Tướng Cao Ngọc Oánh, thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng mất cơ hội lên thứ trưởng Bộ Công an.
Vụ án này vô cùng nhạy cảm vì nó diễn ra khi đại hội đảng khoá 10 sắp khai mạc. Hơn nữa, con rể đương kim Tổng bí thư Nông Đức Mạnh cũng liên can đến PMU18.
 
Qua hai “chiến công”, Nguyễn Công Khế và báo Thanh Niên như đi trên mây. Làng báo ngày đó hả hê, mấy nhà báo vênh váo như các ông trời con.
 
Phải thừa nhận, trong làng báo “quốc doanh”, không ai quyền lực như Nguyễn Công Khế. Khế sở hữu cả báo đảng, tập đoàn truyền thông lẫn mảng người đẹp. Nguyễn Công Khế có quyền lực từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ kinh tế đến chính trị. Khế quen cuộc sống vương giả, thừa mứa tiền bạc, sơn hào hải vị, rượu ngon, gái đẹp, biệt phủ, nên dần ngạo mạn và lắm kẻ thù.
 
Năm 2007, mẹ ruột Nguyễn Công Khế mất. Tang lễ đình đám, mấy trăm đoàn đi viếng, trong đó có hàng chục Uỷ viên Bộ Chính trị đương chức lẫn về hưu đều có mặt, gởi vòng hoa. Quan chức các tỉnh thành, tướng tá công an, quân đội đủ cả.
 
Xem “Lời cảm tạ” của Nguyễn Công Khế đăng công khai trên báo Thanh Niên lúc 19h41 ngày 4-9-2007, đủ thấy thế lực khuynh loát thiên hạ của Khế đáng sợ đến nhường nào.
Thế lực giấu mặt phản công. Nguyễn Công Khế suýt chết lần thứ nhất.
 
Tháng 4-2006, đại hội đảng cộng sản Việt Nam khoá 10 diễn ra. Nông Đức Mạnh tái trúng cử chức Tổng Bí thư nhiệm kỳ 2, Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng thường trực lên nắm chức thủ tướng. Hai năm sau, giông tố bắt đầu đổ xuống đầu những tờ báo tham gia “đánh án” PMU18.
 
Chiều 12-5-2008, hai nhà báo phanh phui tham nhũng, tiêu cực PMU18 là Nguyễn Văn Hải, phó trưởng đại điện Văn phòng báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội và Nguyễn Việt Chiến, phóng viên báo Thanh Niên, đã bị khởi tố và bắt tạm giam. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng khởi tố, bắt tạm giam thượng tá Đinh Văn Huynh, điều tra viên cao cấp, trưởng phòng 9 C14. Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14), Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra BCA vừa mới nghỉ hưu, cũng bị khởi tố nhưng cho tại ngoại.
 
Ra toà, tướng Phạm Xuân Quắc bị phạt cảnh cáo, sĩ quan Đinh Văn Huynh nhận án một năm tù, Nguyễn Việt Chiến 2 năm tù giam, Nguyễn Văn Hải án 2 năm cải tạo không giam giữ.
 
Một nguồn tin nội bộ giấu tên, cho biết, ngày đó đích ngắm của trùm mật vụ “bố già” Nguyễn Văn Hưởng là sẽ bắt bằng được Nguyễn Công Khế, để ngăn chặn cái gọi là “quyền lực thứ tư” sau lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhờ sự can thiệp của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang và một số cựu Uỷ viên Bộ Chính trị, nên Nguyễn Công Khế thoát nạn.
 
Ngày 31-12-2008, tại trụ sở báo Thanh Niên, ông Võ Văn Thưởng, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, đã trao quyết định của Ban bí thư Trung ương Đoàn cho ông Nguyễn Công Khế, thôi giữ chức Tổng Biên tập báo Thanh Niên từ ngày 1-1-2009.
 
Nguyễn Công Khế (phải) và Hoàng Hải Vân. Nguồn: Nguyễn Công Khế
 
Khế phải chấp nhận rời khỏi báo Thanh Niên, bị cấm viết báo. Tổng thư ký tòa soạn Hoàng Hải Vân, người đăng bài “Hãy trả tự do cho các nhà báo chân chính”, công tác viên của Tổng cục 2, bị cảnh cáo, cách chức, thu hồi thẻ nhà báo, lui về Ninh Thuận làm vườn, nuôi dê, gà, trồng rau… và lên Facebook chém gió!

Tiếng Dân News
 

(Còn tiếp)