Việt Nam có sẵn sàng cho điện hạt nhân chưa?

Sự phát triển của nhân loại đi liền với việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng. Xã hội con người càng phát triển thì càng tiêu thụ nhiều năng lượng. Cho đến ngày hôm nay các nguồn năng lượng này đến từ 3 nguồn nhiên liệu chính: nhiên liệu hóa thạch (fossil fuel), năng lượng hạt nhân (nuclear power), và năng lượng tái tạo (renewable energy).

Nguồn nhiên liệu hóa thạch chiếm khoảng 80% năng lượng sử dụng của nhân loại. Năng lượng hạt nhân chiếm khoảng 6%. Năng lượng tái tạo chiếm khoảng 13%.

 

Nhiên liệu hóa thạch là loại nhiên liệu mà con người đã sử dụng cả trăm năm nay bao gồm các thứ như than đá, dầu hoả, khí đốt, v.v.... Nguồn nhiên liệu này mất cả triệu năm mới hình thành trong lòng trái đất. Tuy càng ngày càng khó để khai thác nhưng với trí tuệ và phát minh của con
người, nhân loại vẫn còn có thể tiếp tục sử dụng nguồn nhiên liệu này trong một thời gian dài. Nhưng đây không phải là nguồn năng lượng vô tận. Sớm muộn gì nó cũng phải hết. Con người phải tìm ra những nguồn năng lượng khác nếu muốn nhân loại sống còn trong tương lai.  Năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo là hai nguồn hứa hẹn đó.

 

Trong thập niên 50 với khám phá mới về năng lượng hạt nhân, người ta nghĩ rằng đây là ngõ thoát cho nhân loại. Đến ngày hôm nay có khoảng 400 hơn lò hạt nhân đang hoạt động trên 30 quốc gia. Với hơn nửa thế kỷ trải nghiệm với năng lượng hạt nhân, người ta nhìn ra 2 mối đe dọa chính: mức độ an toàn và việc xử lý phế thải nhiên liệu hạt nhân.

Ba quốc gia tiên tiến và có kinh nghiệm về năng lượng hạt nhân lại chính là những nơi đầu tiên hứng chịu các tai nạn lò hạt nhân. Năm 1979, lò hạt nhân Three Miles Island, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ làm thế giới biết đến từ “chảy nóng hạt nhân” (nuclear meltdown) khi lõi hạt nhân bị hư hại và “chảy nóng”. Năm 1986, lò hạt nhân Chernobyl ở Ukraine phát nổ, tán phát chất phóng xạ khắp bầu trời miền Tây Sô Viết và Âu châu. Mới đây nhất là vụ tai nạn xảy ra tại lò hạt nhân Fukushima Daiichi, bờ biển miền phía Đông nước Nhật tiếp sau cơn động đất và sóng thần tháng 3/2011.

Sự cố Fukushima xảy ra cùng lúc với dự án xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, Việt Nam gây nhiều xôn xao.

Theo các dữ kiện rất sơ sài có được từ nhà nước thì 2 lò hạt nhân này sẽ khởi công vào năm 2014 và hoàn tất vào năm 2022. Số tiền nợ Nga là 10.5 tỉ USD và đang xin nợ Nhật khoản tiền lớn thế nữa. Dự án lò hạt nhân hiện giờ pha trộn như một nồi cám heo. Công nghệ hạt nhân là của Nhật. Nhân viên điều hành thì được Nga huấn luyện. Các biện pháp an toàn của nhà máy thì theo Mỹ và quy định quốc tế theo kiểu Hàn quốc. Nếu sau này Việt Nam có mua nhiên liệu uranium từ Iran thì cũng không phải là điều ngạc nhiên.

Sau tai nạn lò hạt nhân Fukushima thì giới chuyên gia quốc tế thừa nhận là KHÔNG có cách nào chống đỡ, bảo vệ các lò hạt nhân khi có thiên tai quá lớn. Thiên tai là điều không thể lường trước, ngăn chặn hay trốn tránh được; mà chỉ có thể đối phó một cách thụ động. Cơn bão Hải Yến (Haiyan) mới đây với cường độ gió và hướng đi thay đổi liên tục là một thí dụ mới nhất. Nói cách khác là phải chịu thua thiên tai. Vì vậy các nước tiên tiến đi tiên phong trong lãnh vực năng lượng hạt nhân đều đang giảm tốc, hạ nhiệt, giã từ năng lượng nguyên tử. Quyết liệt nhất là Đức. Chính phủ Đức đã khởi động đóng các lò hạt nhân từ năm 2012 và đến 2020 thì đóng toàn bộ.  Cả thế giới đang đua nhau đi tìm năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, địa nhiệt (geothermal), sinh học (biofuels), v.v... để thay thế cho các nhà máy điện hạt nhân mà các kiểu lò phản ứng thông dụng thuộc thế hệ thứ hai đã có từ 60 trước, hiện đang được tháo gỡ dần; trong khi lò phản ứng thế hệ thứ ba chưa được xây dựng thì đã bị coi là lỗi thời và lò phản ứng thế hệ thứ tư thì phải hơn nửa thế kỷ nữa mới hy vọng nghiên cứu xong (1).

Một điều lưu ý là trong khi các nước tiền tiến tìm cách bớt lệ thuộc vào năng lượng nguyên tử thì chính các quốc gia đó lại tìm cách bán công nghệ hạt nhật cho các nước đang phát triển và rất cần nhiều năng lượng. Chính sách đẩy mạnh xuất cảng công nghệ hạt nhân của chính phủ Nhật là một điển hình. Hiên nay Nhật đang dự trù một ngân sách khổng lồ khoảng 80 tỷ mỹ kim để “dọn dẹp” những tai hại sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi (2) song song với một ngân khoản 7 tỷ mỹ kim khác để quay về xây dựng 14 nhà máy điện chạy bằng khí đốt và than, sẽ hoàn tất vào cuối năm tới (3).

Các quan tâm hiện có về dự án nhà máy hạt nhân tại VN là những điều như sau:

Đối phó với thiên tai như động đất, sóng thần, bão lụt. Địa thế của Ninh Thuận đối diện với các nguy cơ này. Cơn bão cấp 5 Hải Yến tàn phá các đảo Phi-lip-pin rồi sau đó tiến vào bờ biển phía đông của Việt Nam. May mà bão Hải Yến vòng lên phía đảo Hải Nam. Việt Nam sẽ may mắn như vậy được bao lâu mỗi khi mùa bão đến?

Khả năng và tay nghề của công, nhân viên nhà máy hạt nhân Việt Nam bắt đầu từ con số không. Các đoàn nhân viên đầu tiên gửi qua Nhật học thì không có căn bản học vấn và kỹ thuật. Một số xem chuyện học như giỡn chơi và chỉ lo đi shopping hàng về Việt Nam bán lại. Có người vừa học xong khóa huấn luyện là bỏ, chuyển sang nghề khác.  Với khả năng như thế thì làm sao mà điều hành một nhà máy hạt nhân đòi hỏi sự chăm chú và tinh thần bảo an cao độ. Nếu có tai nạn xảy ra thì khả năng đối phó như thế nào. Chúng ta cứ nhìn khả năng cứu lụt hàng năm sẽ rõ Việt Nam có đủ chuẩn bị đối phó với một tai nạn tầm cỡ hạt nhân hay không. Nhật bản mà còn lúng túng với tai nạn Fukushima thì đủ biết.

 

Bất cứ công trình lớn nào với nhiều vốn đầu tư cũng gặp phải tình trạng rút ruột. Không chỉ các quan chức Việt mà còn kéo theo luôn cả các chủ thầu ngoại quốc như từng thấy qua các vụ tham nhũng chung với Nga, với Nhật trước đây. Công trình xây dựng mà bị rút ruột thì chất lượng xây cất sẽ thế nào?

 

Trong đất nước với nề nếp xã hội chủ nghĩa lâu năm, với thói quen makeno (mặc kệ nó), cha chung không ai khóc thì sau khi giai đoạn xây dựng béo bở xong rồi thì giai đoạn quản lý vận hành bị bỏ bê vì không còn kiếm ăn đáng kể nữa.

Giải quyết phế liệu hạt nhân là cả một vấn đề. Các nước tân tiến phải đục núi chôn vùi phế liệu vào đó và coi như bỏ vùng đó ít nhất là 500 năm hơn. Việt Nam đất hẹp đông người làm sao có đất, có núi để giải quyết phế liệu? Không một quốc gia nào trên thế giới hiện nay sẵn sàng nhận làm bãi rác phế liệu hạt nhân.

Năng lượng hạt nhân là công nghệ của thế kỷ 20 trong khi năng lượng tái tạo là công nghệ của thế kỷ 21. Khi lún sâu vào công nghệ cũ thì nợ nần đầy đầu và không còn ngân khoản để tận dụng các phát minh năng lượng mới, an toàn của thế giới.

 

Cũng như vụ khai thác bô-xít, những người lãnh đạo nhà nước vẫn hành xử theo tâm thức “có quặng trong lòng đất thì phải khai thác” bất kể những tác hại mà kỹ thuật hiện tại chưa có cách hóa giải. Nay có người cho mượn tiền thì phải mượn bất kể những tác hại khủng khiếp gấp ngàn lần và họ hy vọng mơ hồ rằng các thế hệ con cháu sau này “giỏi giang hơn” sẽ giải quyết cả nợ nần lẫn các tác hại mà họ tạo ra hiện nay.

 

Nhiều chuyên gia về hạt nhân ở Việt Nam và quốc tế có quan điểm là Việt Nam chưa sẵn sàng để xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Những báo động này bị nhà nước ngăn cản không cho lan rộng trong công chúng. Hiện nay các ký giả, học giả ngoại quốc lẫn Việt Nam không được đến thu thập dữ kiện tại vùng Ninh Thuận này.

 

Tất cả dẫn đến thắc mắc tại sao? Có phải đây chỉ là một cơ hội béo bở cho một số nhóm lợi ích ở thượng tầng. Sống chết mặc bây tiền thầy bỏ túi. Vì vậy họ phải ra tay gấp trước khi cơ hội độc quyền của họ bị vuột khỏi tầm tay ?

Quang Tường

Ghi Chú:
1.                  Plutonium : 240 thế kỉ ! (Ta nên biết sợ Điện Hạt Nhân), Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn (http://aivfweb.free.fr/Nang%20luong%20hat%20nhan%20DDC/Plutonium%20240%2...)

2.                  The staggering costs to clean up Fukushima (http://www.smartplanet.com/blog/bulletin/the-staggering-costs-to-clean-u...)

3.                  Japan on gas, coal power building spree to fill nuclear void (http://www.reuters.com/article/2013/10/16/us-japan-power-outlook-idUSBRE...)