Cầm tay

Bị Cạo Râu
 
Năm nay các anh tuyên giáo kỷ niệm 49 năm ngày 30-4, chắc là năm lẻ nên báo chí không tuyên truyền rầm rộ mà khá nhẹ nhàng, chắc chờ chẵn 50 năm làm lớn luôn.

Báo Tuổi Trẻ thực hiện cuộc phỏng vấn với 2 nghệ sĩ tên tuổi bên kia vĩ tuyến, họ cùng bày tỏ niềm vui tương đối nhẹ nhàng về ngày 30-4-1975, khác với anh Thọ muối - cũng là 1 người bên kia vĩ tuyến, người luôn" trực trào" nước mắt.
Bài phỏng vấn được Tuổi Trẻ rút 1 cái tít đậm mùi hát chèo:" Ngày Sài Gòn cầm tay Hà Nội".

Cái cầm tay kéo dài đến nay ngót nửa thế kỷ. Trong khi anh Thọ muối trực trào nước mắt thì hàng triệu người dân miền Nam cũng khóc ra máu vì tan nhà nát cửa kể từ ngày 30-4-1975.
 
Ông Võ Văn Kiệt, 1 quan chức Việt cộng hiểu điều đó. Dù đã khuất bóng nhưng ông biết rằng, khi Thọ muối khóc vì vui thì rất nhiều người Việt di tản ở California khóc vì buồn.

Mỗi ngày 30-4 tới, khơi dậy niềm vui ở người này không khác gì sỉ nhục nỗi buồn của người khác. Cái ngày này rất đặc biệt, rất khác thường, nhạy cảm và tế nhị, cho nên nó cần được đối xử một cách hiểu biết mà những người làm truyền thông cần phải rõ điều này.
 
Thật ra niềm vui cũng khó mà phê phán khi nó gắn với hoàn cảnh cụ thể của Thọ muối chẳng hạn, như niềm vui của Văn Cao về ngày thống nhất vậy. Ông reo vui một cách vô tư:
"Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người ..."
( Mùa xuân đầu tiên)

Tôi không so sánh ông Văn Cao với Thọ muối, vì mỗi người vui 1 cách khác nhau. Văn Cao chỉ muốn con người yêu thương con người thôi, như yêu sự đoàn tụ giữa anh em hai miền sau 20 năm chém giết lẫn nhau, xóa bỏ thù hận. Ông đã không biết rằng những câu hát yêu thương vô tư ấy của mình bị cấm đoán đến hàng chục năm sau - cũng như hận thù khó mà xóa bỏ được vậy.

Ai bảo yêu thương nhau là dễ nào? Với 30-4, yêu thương lại càng không dễ.

Chính vì vậy, tôi nghĩ, làm sao Sài Gòn dám cầm tay Hà Nội nhỉ? Phải đảo cái tít báo ngược lại mới đúng, phải là cái cầm tay Sài Gòn của Hà Nội.

Một cái cầm tay lạnh cả sống lưng kéo dài nửa thế kỷ, tới giờ vẫn chưa hết lạnh.

Ai sẽ làm nó ấm lại?

Chưa thấy ai!