-----------
Đọc toàn bài “Chống lãng phí” của ông Tô Lâm, rà kính soi từng câu từng chữ, tôi không thấy ông ấy đề cập tới những thứ lãng phí đang diễn ra công khai, hằng ngày. Những lãng phí đã được luật hóa bằng nghị định này, chỉ thị nọ của đảng, nhà nước.
Đặc biệt, bài viết đứng tên ông Tô Lâm hoàn toàn không đả động gì tới bệnh hình thức mạn tính gây cực kỳ lãng phí đã thành thứ tệ nạn kinh khủng hết thuốc chữa ở xứ này. Cũng không chỉ ra sự duy trì quá nhiều tổ chức hội đoàn, ban bệ, cánh tay phải tay trái, cánh dài cánh ngắn rất vô tích sự ngốn ngân sách từ tiền thuế của dân.
Tới hôm 26.10, phát biểu tại Quốc hội với tư cách đại biểu quốc hội, Tổng bí thư Tô Lâm trăn trở: "Lãng phí xảy ra nhiều lắm. Tại sao mình lại vướng mình, làm khó mình đến vậy? Quy định làm sao mà để cuối cùng mình không thực hiện được? Nhà nước còn không làm được thì sao doanh nghiệp làm được?". Ông hàng xóm nhà tôi đọc xong cười bảo: Vẫn chung chung.
Lâu nay, người đời thường ngại đụng chạm, ngại ý kiến ý cò về phát ngôn của lãnh tụ, cấp cao, tránh voi chẳng xấu mặt nào… Với quan niệm đó là vùng cấm, nói ra cũng chả giải quyết được gì, có khi không phải đầu lại phải tai, nát đám cỏ gà, rước vạ vào thân. Nhưng tôi thì khác. Nói được những điều có ích cho số đông dân chúng, cho cộng đồng chịu nhiều thiệt thòi thì cứ nói. Trung ngôn nghịch nhĩ. Thiệt mình chịu.
Sự góp ý không nhằm vào cá nhân, vụ "chống lãng phí" này chẳng hạn, bởi ông Lâm phát ngôn không vì cá nhân ông, nhưng đó là sự đại diện, thay mặt cho bộ máy lãnh đạo do ông ấy đứng đầu. Ổng chống, tại sao mình không ủng hộ, không chống? Tôi tuyệt đối ủng hộ ông ấy chống lãng phí bởi đó là thứ tệ nạn bản thân tôi rất ghét.
Từ thượng cổ tới giờ, chẳng có bộ máy nào toàn diện, tuyệt hảo, không sai. Vậy thì, nếu ta có ý thức xây dựng, mong muốn cuộc sống và xã hội tốt hơn, thì nói ra với ý thức xây dựng là điều tốt, tích cực. Vấn đề ở chỗ, bộ máy cầm quyền có biết lắng nghe những điều "trung ngôn nghịch nhĩ" hay không.
Tôi sực nhớ câu thơ của cụ Lê Đạt (nhóm Nhân văn giai phẩm): ’’Anh muốn đảng gọi anh đến nơi/Hội ý về cuộc sống/Điều động anh vào bộ tâm hồn quần chúng/Giúp trung ương xây dựng những con người”. Tôi chẳng bằng móng tay út cụ Đạt, nhưng học cụ, dù biết cụ từng bị lên bờ xuống ruộng.
Trong vệt bài này, tôi chỉ nhấn đến nội dung “lãng phí”, “chống lãng phí”, chỉ ra những khiếm khuyết, góp thêm vào chủ đề ông Tô Lâm đã nêu trong bài huấn thị/chỉ đạo đang được tung hô, ca ngợi.
-------------------
Lãng phí cái gì? Trước hết là lãng phí ngân sách. Ngân sách không phải từ trên giời rơi xuống, không do đảng và nhà nước đẻ ra, mà là tiền (ngân), từ mồ hôi, nước mắt, máu của nhân dân tạo thành; là tiền thuế do dân và doanh nghiệp đóng góp; tiền bán tài nguyên đất nước. Lãng phí là có tội. Tội nặng.
Chỉ có điều, các vị hô hào chống lãng phí, cần phải biến lời nói thành việc làm, thành hành vi cụ thể. Đừng có mồm nói tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng tay phung phí, coi máu mồ hôi nước mắt nhân dân như rác như bùn.
Ngày 26.10.2024, báo Tiền Phong có bài trong đó nêu ý kiến của bà Phạm Thị Thanh Trà – Bộ trưởng Nội vụ. Bà Trà cho biết: “trên thế giới chưa có nước nào có đơn vị hành chính cấp huyện, xã nhiều như Việt Nam, kể cả đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng vậy.
Vì thế, cũng chưa có đất nước nào mà chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy và con người lớn như Việt Nam, khi chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy và con người chiếm đến 62%, không còn nguồn lực để chi cho đầu tư.
Nhắc lại tinh thần của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc sắp xếp lại bộ máy, trong đó có cả hệ thống hành chính nhà nước, cả cơ quan Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan Đảng, đặc biệt các đơn vị hành chính, bà Trà cho rằng các cấp các ngành cần tinh thần sẵn sàng, chứ không chỉ sắp xếp đơn vị cấp huyện, cấp xã”.
Chính ông Tô Lâm, ngày 31.10 thảo luận tổ tại Quốc hội, ông khẳng định tiếp “Không tinh gọn bộ máy thì không phát triển được”.
Đúng tinh thần ấy, được ông Tô Lâm và bà Trà chỉ dẫn, chúng ta có thể thấy sự lãng phí đang nhan nhản, tràn lan, khắp nơi, mọi cấp, diễn ra công khai, từ nhiều năm nay ở xứ này.
Điều dễ thấy nhất, đó là sự tồn tại của các tổ chức hội đoàn, tổ chức, lực lượng ngoại vi của đảng cầm quyền.
Trước hết là Mặt trận tổ quốc. Tôi thử hỏi các ông bà dân chúng, vậy Mặt trận tổ quốc làm nhiệm vụ gì cho đất nước này. Rất chung chung, mơ hồ. Cứ lâu lâu xuân thu nhị kỳ nó chỉ mần việc hiệp thương chọn người cho đảng để cơ cấu vào bộ máy cán bộ. Thế thôi, tôi chả thấy nó gánh việc gì khác. Nên giải tán cái đoàn thể chính trị-xã hội này. Nó là một phần của bộ máy cai trị tam trùng (đảng, nhà nước, mặt trận), ngốn ngân sách kinh khủng. Nó có bộ máy riêng từ trung ương tới tận cơ sở cấp xã. Tiền để nuôi nó cũng đủ hành dân lên bờ xuống ruộng. Cần dẹp.
Ngoài Trung Quốc, Lào, Cuba, Triều Tiên, chỉ còn xứ ra dung dưỡng thứ của nợ này. Những nước văn minh, giàu có, chả nước nào nuôi mặt trận mặt triếc. Những nước không có tổ chức mặt trận sẽ như thế nào? Khách quan mà nói, rất nhiều quốc gia nghèo, chậm phát triển không có tổ chức kiểu mặt trận. Nhưng không phải do không có mặt trận mà nghèo. Còn những quốc gia có mặt trận, hầu hết nghèo. Và dễ thấy nhất, tất cả những nước giàu có, phát triển vượt bậc, người dân sung sướng hạnh phúc đều không có mặt trận.
Muốn biết mặt trận cần hay không cần, mỗi người cứ tự hỏi trong cuộc đời mình đã khi nào mặt trận quan tâm, hỏi han, giúp đỡ chưa. Tôi khẳng định có, nhưng không đáng kể, có khi cả triệu người mới gặp một vài trường hợp. Những người hàng xóm nhà tôi thậm chí không biết mặt trận là gì, tồn tại hay không.
(Còn tiếp)